Bạn đã thực sự kinh doanh homestay Đà Lạt đúng cách?
Bạn có thực sự đang kinh doanh homestay Đà Lạt?
Bước vào thị trường homestay khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng với những kiến thức nền tảng được đào tạo bài bản, tính sáng tạo, ưa chuộng những điều mới mẻ và rất nhiều trải nghiệm được tích lũy trong hành trình xê dịch, Nhựt Phong đã chứng tỏ cho nhiều người thấy tài năng và sự tinh tế – khéo léo trong kinh doanh của mình. Khẳng định Nhắm mắt Đà Lạt luôn đạt tỉ lệ booking từ 80-90% mỗi tháng, Phong cũng chân thành đưa ra nhiều lời khuyên để nhiều chủ nhà nhìn lại công việc kinh doanh của mình và đưa ra biện pháp phù hợp. Cùng khám phá những chia sẻ vừa thú vị, vừa hữu ích của Phong qua những phần dưới đây nhé!
Cách để có booking ngay trong mùa thấp điểm (tháng 3)
Một người làm kinh doanh phải có các kế hoạch và chiến lược cụ thể. Nếu chỉ đơn giản là “làm vì thích” thì sớm muộn gì cũng phải trả giá cho cái “thích” hời hợt.
Mọi người có biết thị trường khách du lịch trên này là bao nhiêu? Đã bao lâu rồi mọi người chưa có một bản “chiến lược kinh doanh tháng 3”? Rồi tháng 4 tháng 5 thì sao? Không cần một người từ “lò đạo tạo kinh tế” mới có thể trả lời, chỉ cần bỏ thời gian ra ngồi vẽ vời là sẽ có. Hỏi để đó rồi mình trả lời lần lượt.
Về kinh doanh homestay Đà Lạt, nếu chỉ đơn giản là thuê một căn nhà, sửa lại và cho thuê thì ai làm cũng được. Bây giờ phải đặt câu hỏi mình khác gì với người ta? Hoặc chỉ đơn giản thử cắt nghĩa từ “homestay” là sẽ tự biết phải làm gì. Mọi người có bao giờ thắc mắc hai chỗ y hệt nhau mà chỗ để là hotel chỗ để là homestay chưa? Nếu thế thì con mèo lại kêu gâu gâu rồi.
Đó là 2 câu hỏi duy nhất cho một người nghiêm túc muốn kinh doanh về cơ sở lưu trú du lịch. Có một sự thật là việc full booking một tháng rất dễ, kể cả tháng 3 hay tháng 9, mùa du lịch hay mùa làm việc. Chạy xe ngoài đường luôn thấy khách du lịch, mọi người có bao giờ hỏi tại sao đó không phải khách của mình chưa? Hay lại đổ lỗi cho mùa này ít khách? Ôi Đà Lạt nó đã trở thành thành phố du lịch quanh năm rồi. Đâu phải tự nhiên phải đập khu Hoà Bình đi xây lại tốn tiền nhỉ.
Kinh doanh homestay Đà Lạt giai đoạn tháng 6 – tháng 8
Không biết ở giai đoạn này các năm về trước mọi người như thế nào, vì trên lí thuyết lẫn thực hành đều chứng minh mùa này đông khách du lịch. Nếu xét về số lượng mọi người có thể cảm giác mùa này không đông bằng mùa Tết, nhưng sự thật đây mới là mùa hái tiền, tức mùa đông khách du lịch nhất năm của thị trường kinh doanh homestay Đà Lạt. Nghe xa lạ nhỉ? Nhưng, có nhiều lí do để mùa này đông khách du lịch.
Thứ nhất, đây là kỉ nghỉ hè của học sinh và sinh viên. Nên thay vì mùa Tết chỉ đông vào những dịp cuối tuần thì đây là mùa duy nhất “có lí do” để đông cả vào giữa tuần. Một khi được nghỉ thì không ai có lí do gì phải đi du lịch cuối tuần cả. Đó là lí do mùa này ngày nào ra đường cũng cảm giác như Sài Gòn, đông từ sáng đến tối và từ đầu tuần đến cuối tuần. Các bài viết và chiến dịch của mọi người nên phần lớn hướng vào sinh viên vì đây mới là tuýp khách hàng chịu chơi và sẵn lòng ở lâu hơn nếu có được một trải nghiệm tốt. Còn độ tuổi học sinh thì phần lớn do ba mẹ chúng quyết định nên không can thiệp được.
Kinh doanh homestay Đà Lạt bây giờ cạnh tranh hơn xưa nhiều!
Lý do thứ 2 là lý do quan trọng nhưng hiển nhiên, tức mùa hè rất nóng. Nếu ngày trước mọi người có xu hướng đi tắm biển thì bây giờ mọi người bắt đầu có xu hướng dịch chuyển lên Đà Lạt, đơn giản vì tránh nóng. Nhưng nếu chỉ lấy cái nóng ra để kêu gọi booking thì ai cũng làm được, nên mình phải có những bước đi khôn ngoan hơn.
Một vài gợi ý cho các chiến dịch ngày hè giúp các bạn kinh doanh homestay Đà Lạt dễ dàng hơn chút xíu:
- Book 1 ngày tặng 1 cây kem: Ý tưởng này nghe có vẻ “khùng” nhưng nó là một cú đánh rất mạnh vào tâm lí khách hàng, đôi khi người ta đến homestay chỉ vì một cây kem!
- Homestay Đà Lạt đầu tiên có máy lạnh: Cái này thừa nước đục thả câu thôi nhưng khá tốn kém mọi người cân nhắc, còn ai đã có sẵn thì cứ tự tin la thật lớn cho khách hàng biết.
- Mang Đà Lạt về nhà: Ý tưởng là muốn mang cái “mát mẻ” của Đà Lạt về nhà. Đà Lạt nóng thì có nơi nóng hơn mà.
Đấy là 3 ý tưởng mà có thể triển khai thành một chiến dịch, to hay bé thì tuỳ quy mô và nhóm khách mọi người muốn hướng đến. Suy cho cùng làm gì thì cũng phải đi đến mục đích cuối cùng là tạo ra GIÁ TRỊ, tức đem đến cho khách hàng một trải nghiệm tốt, mới, lạ thì càng tốt. Những thứ dễ thương như trên rất dễ lôi kéo những khách hàng dễ tính đáng yêu (thật đấy).
Bí quyết để có booking quanh năm
Mình sẽ không nói về những thứ to lớn hay ngôn ngữ chuyên ngành. Việc xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh chỉ đơn giản là những thứ phải làm trong tuần này, tháng náy, quý này hay năm này.
Kinh doanh homestay Đà Lạt có 4 giai đoạn:
- Giai đoạn một là từ tháng 3 đến tháng 5
- Giai đoạn hai từ 6 đến 8
- Giai đoạn ba từ 9 đến 11
- Giai đoạn 4 từ 12 đến 2
Việc phân thành các giai đoạn như thế này rất quan trọng trong việc lập các kế hoạch chiến lược kinh doanh. Nếu giai đoạn 4 là lúc đông khách du lịch nhất thì giai đoạn hiện tại – giai đoạn 1 (tháng 3 đến tháng 5)- lại là giai đoạn ít khách du lịch nhất.
Kinh doanh homestay Đà Lạt mùa thấp điểm không dễ nhưng không quá khó đâu các bạn ơi!
Okey ít khách du lịch không có nghĩa là không có. Nếu là 3 năm trước không có khách du lịch thì đúng. Nhưng những năm sau này tháng nào cũng có khách du lịch, và giai đoạn này thường khách du lịch nước ngoài sẽ nhiều hơn. Với những homestay có thể đón khách nước ngoài thì biết phải làm gì rồi. Vậy còn những homestay chỉ muốn đón khách nội địa?
Thông thường đây là giai đoạn cần bỏ nhiều tiền ra để chạy các chương trình khuyến mãi. Nhưng sự thật là không phải cứ chạy là có khách. Cái mình cần làm là MỘT SỰ KHÁC BIỆT, chứ không phải các chương trình giảm 30%, 50%.
Tại sao lại phải hạ thấp giá trị của mình thế? Vậy đâu là sự khác biệt?
Tại sao người ta phải đến homestay của mình?
Homestay mình có thứ gì mà các nơi khác không có?
Có một sự thật răng; giai đoạn 1 là thời gian sau Tết nên mọi người không có nhu cầu đi chơi. Nhưng có một tệp khách hàng họ phải làm dịp Tết hoặc né những mùa cao điểm. Vậy chúng ta có ngay một tệp khách hàng gọi là “những người làm Tết nên phải đi du lịch sau Tết”. Vậy là mọi người biết phải viết gì rồi nhỉ? Tất cả chiến dịch và chương trình khuyến mãi của mình sẽ nhắm trực tiếp đến các đối tượng lười đi du lịch ngày Tết hoặc không thể đi du lịch Tết vì phải làm.
Đó là ý tưởng chung, còn cụ thể như thế nào mình không thể nói hết ở đây được vì mỗi người sẽ có một suy nghĩ và một cách đi riêng. Nhưng nếu mọi người comment các ý tưởng ở dưới thì mình có thể góp ý và xây dựng cùng mình nhé!
Làm thế nào để kinh doanh homestay Đà Lạt hiệu quả vào tháng 9 – 10 – 11?
Mọi người biết vì sao vé máy bay những tháng 9 10 11 rẻ không? Vì mùa này mọi người không có nhu cầu đi du lịch, nên hầu hết các công ty du lịch lớn, đặc biệt là các hãng hàng không phải ráo riết đẻ ra các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích cầu (kích cầu tức là làm tăng nhu cầu đi du lịch).
Mùa này mọi người sẽ có nhiều lựa chọn hơn, khác với mùa hè người ta chỉ nên chọn Đà Lạt, vì đây là mùa mưa sinh sôi, những nơi như Phú Yên, Đà Nẵng hay Mộc Châu, Sapa rất đáng đi. Mình thấy mùa này mọi người thường đem “dã quỳ” ra để lôi kéo khách hàng. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, một là không phải ai cũng quan tâm tới Dã Quỳ, hai là 4000 cái homestay trên Đà Lạt cũng chỉ có 1 Dã Quỳ.
Okey giờ lật ngược vấn đề, mặc dù không phải mùa du lịch nhưng chắc chắn rằng mùa này vẫn hơn tháng 3 tháng 4 tháng 5, nghĩa là kinh doanh homestay tại Đà Lạt vẫn khá dễ. Các chương trình khuyến mãi có hiệu quả, và khách du lịch vẫn có thể đội mấy cơn mưa điên khùng ở Đà Lạt để đi chơi được. Việc của mình bây giờ là nghĩ cách lôi kéo mọi người phải đến homestay của mình. Từ giờ đến đó còn xa, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ chắc chắn sẽ lòi ra một ý tưởng hay để lên kế hoạch.
Kinh doanh homestay Đà Lạt tháng 12 – tháng 1 – tháng 2 dễ ợt?
Đây là mùa Tết và Mai Anh Đào. Thay vì nói về tận năm sau thì mình sẽ bàn về câu hỏi, mọi người đã có mùa Tết 2019 hiệu quả chứ? Mọi người có nghĩ kinh doanh homestay Đà Lạt mùa này dễ ợt không?
Nhiều người chắc chắn đã nói rất nhiều về Mai Anh Đào bằng cách viết bài hay share bài về facebook, nhưng quên mất một việc quan trọng là nói cho người ta biết tại sao người ta phải ngắm Mai Anh Đào, tức vẫn là câu hỏi cũ tại sao người ta phải đến homestay của mình?
Mọi người vẫn dùng Mai Anh Đào dụ khách nhưng quên mất lý do tại sao người ta phải ngắm Anh Đào thay vì nằm nhà ngủ nướng.
Tết cuối tuần có booking thì không có gì lạ. Nhưng để có cả booking những ngày giữa tuần thì đó là một thử thách. Thử thách chứ không hẳn là khó, vì mùa này có một sự thật tâm lí rất hay, đó là người ta rất sẵn lòng chi tiền và sẵn lòng đi du lịch. Không ngạc nhiên khi mọi người đều muốn thưởng cho mình một chuyến đi sau một năm dài làm việc.
Đấy là tất cả những ngách tâm lí của khách du lịch Đà Lạt nói riêng. Muốn tạo ra một trải nghiệm tốt thì phải hiểu họ trước đã, một khi hiểu thì nói gì họ cũng sẽ nghe thôi.
Mọi người đã có một năm 2018 như nào nhỉ? Năm rồi mình khoẻ lắm, chỉ ăn nằm rồi nói phét cũng có booking (đùa đấy).
Nào, bạn có chắc mình đang kinh doanh homestay không?
Okey trước khi chia sẻ mình nói rõ là không cần phải có bằng tiến sĩ kinh tế mới có thể nhận ra những điều cơ bản này. Có những thứ đơn giản đến mức mọi người không muốn thừa nhận nó đúng. Kinh doanh homestay Đà Lạt về cơ bản cũng là kinh doanh.
Homestay là gì mọi người tự tìm hiểu, nhưng điểm quan trọng nhất được đề cập là “tinh thần”. Một homestay đẹp chỉ có chức năng thu hút booking tạm thời. Nhưng cái “tinh thần” của homestay đó mới là thứ khiến người ta quay lại và GIỚI THIỆU CHO NGƯỜI KHÁC. Nếu còn có ý định kiếm những booking mới quanh năm thì mọi người nên bỏ cuộc, nó sẽ làm mọi người kiệt sức trước khi mọi người kiếm được cho mình tệp khách hàng mới liên tục.
Mình không muốn nhấn mạnh lại nhưng việc có một tệp khách hàng trung thành và tệp những người được giới thiệu mới là đỉnh cao của kinh doanh. Tệp này nó nhiều hơn rất nhiều so mới mọi người tưởng tượng. Cho nên đừng xem thường.
Vậy làm sao để có tinh thần homestay? Mọi người thường nhầm lẫn “cung cấp dịch vụ tốt” với “khách hàng là thượng đế”. Tới thời đại hiện tại chúng ta không nên đề cao khách hàng là thượng đế nữa. Nhiều người đau đầu với việc bị khách hàng leo lên đầu lên cổ ngồi. Thứ để quyết định khách hàng là chính mình, hữu xạ tự nhiên hương. Mình như thế nào sẽ thu hút khách hàng y như thế. Đây là một vài cách tham khảo để “lấy lòng” khách hàng:
- Nói chuyện: Ôi cách này không bao giờ thừa. Việc giao tiếp với khách hàng một là sẽ cho họ cảm giác yên tâm khi ở một nơi xa lạ, hai là họ sẽ được mở lòng hỏi những thứ mà họ ngại hoặc không dám.
- Chuẩn bị sẵn 1 list các địa điểm du lịch cho họ. Cái này nên phân biệt ra 2 nhóm, 1 nhóm teen và 1 nhóm “trung niên”. Mình nên chủ động trong việc này thay vì để họ chủ động hỏi.
- Hỗ trợ check in sớm và phụ thu. Có một sự thật to đùng mọi người nên cân nhắc là số lượng muốn check in từ 4h sáng đến 6h sáng rất rất nhiều. Bằng chứng là chuyến 12h đêm của Thành Bưởi là 10 chiếc mỗi đêm so với các chuyến khác là chỉ có 1. Mọi người mà mở cửa check in sớm thì sẽ có được một tệp khách hàng không đụng hàng ai (phải nhấn mạnh lần nữa là hãy đánh mạnh vào điều này).
- Tạo cho họ 1 kỉ niệm ở nhà. Cái này bắt buộc mọi người phải động não rồi, nhưng đây chắc chắn là lí do họ quay lại.
Đấy là 4 cách kinh điển mà mọi người sẽ không được chia sẻ ở đâu. Cứ thử sắp xếp lại mọi thứ rồi nhận ra nó hiệu quả như nào. Mình đã làm việc không dưới 10 cái homestay Đà Lạt với vai trò marketing. Có một sự thật khác là Marketing quan trọng đến mấy thì cuối cùng nó cũng chỉ có chức năng tiếp cận đến nhiều người. Còn chất lượng sản phẩm mới là thứ quyết định vận mệnh. Một trong số những homestay khiến mình ấn tượng đó là nếu so ra họ không bằng bất cứ một cái homestay nào trên này, nhưng lượng khách hàng quay lại của họ rất đáng để ghen tỵ. Đó là một trong những home mà mình không mất quá nhiều thời gian để xây dựng thương hiệu (marketing) vì chị chủ rất biết cách “chăm sóc khách hàng” và chưa có bất cứ 1 feedback xấu nào.