Chàng trai người H'Mông làm homestay
Vàng Seo Chô trong căn homestay của mình.
Sinh năm 1989, Vàng Seo Chô là một trong số không nhiều thanh niên người H'Mông thoát khỏi cái nghèo của núi, đi học và về tìm cách gây dựng, làm giàu trên chính quê hương mình. Tốt nghiệp THPT, Vàng Seo Chô theo học trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Lào Cai.
Chô bảo, ở Bắc Hà, có nhiều thanh niên người H'Mông muốn thoát nghèo bằng con đường học hành. Chô cũng chọn cách đi lên bằng chữ nghĩa. Chô theo học một khóa Hướng dẫn viên du lịch trong hai năm và học thêm cả tiếng Trung. Ngoài ra, với vốn tiếng Anh học trong trường cấp 3, Chô rèn thêm và tự tin có chút “vốn liếng” lận lưng để đi làm nghề.
Căn nhà của Vàng Cheo Chô nhìn từ ngoài đường lớn vào.
Năm 2012, Vàng Seo Chô bắt đầu đi làm hướng dẫn viên du lịch (HDV) ở Hà Nội. Chô chọn ngay quê hương Lào Cai là điểm đưa đoàn đến, với Sa Pa, Bắc Hà và sau này là Hà Giang. Chô kể, du khách nước ngoài rất thích tìm hiểu về vùng cao, về con người, văn hóa, phong tục tập quán, thích trải nghiệm cuộc sống tại các bản người dân tộc. Từ đó, ý tưởng tự gây dựng một cơ ngơi du lịch nho nhỏ của riêng mình bắt đầu nhen nhóm trong Chô. “Số tôi dường như phải gắn bó với nghề du lịch” - Chô bảo.
Từ năm 2016, với số vốn dành dụm được sau bốn năm lăn lộn khắp các bản làng vùng cao với nghề HDV, Vàng Cheo Chô bắt đầu làm căn homestay mơ ước của mình. Chô bảo, muốn làm nhà homestay vì từng giao tiếp với khách nước ngoài nhiều và thấy họ rất thích được sống cùng với gia đình người dân tộc để tìm hiểu văn hóa, lối sống.
Quá trình làm nhà của Chô cũng không dễ dàng gì. Nhà xa trung tâm, mua gì cũng đắt. Làm homestay còn phải tính toán làm sao cho vừa giữ được thiết kế mang dáng vẻ, sắc màu của người dân tộc bản địa, vừa đầy đủ tiện nghi để đón tiếp cả những du khách khó tính, yêu cầu cao. Điều đặc biệt là toàn bộ căn nhà do Chô tự thiết kế lấy. Tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ homestay hết 1,7 tỷ đồng.
Vườn mận ngay cạnh nhà Chô.
Căn homestay làm kiểu dáng nhà sàn, bên trên có khoảng gần chục phòng dành cho khách, có giường gối trắng muốt sạch sẽ, cửa gỗ riêng tư, mỗi phòng đều có tiện nghi tối thiểu đủ dùng cho khách. Phần trang trí bằng các loại dụng cụ, vải thổ cẩm trong nhà, Chô bảo đó là do người bạn học mỹ thuật thiết kế. Nhà sử dụng toàn bộ vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, mái lợp, diêu, diễn, mè bằng lá cọ. Năm nào Chô cũng tự tay kiểm tra, sửa sang và bổ sung lại mái. Có lần Chô trèo lên mái dặm lại thì phát hiện ra cái ổ chim nằm lọt trong mái lá. Cho đến bây giờ, mái tranh vẫn là nơi đi về của gia đình nhà chim nọ. Căn nhà của Chô mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Vùng núi cao Bắc Hà khí hậu mát mẻ, cho nên giữa mùa hè, ban đêm vẫn phải đắp chăn.
Hoa dại mọc rất nhiều ven con suối cạnh nhà Chô.
Ban đầu chưa có khách trực tiếp, Chô tận dụng vốn hiểu biết của mình về các trang web đặt phòng để quảng cáo và rao bán phòng. “Tôi đăng ký bán phòng trên agoda, booking và Airbnb. Khách túc tắc có dần và ngày càng đông hơn” - Chô cho biết. Tháng 3-2017 homestay “Cho and Family homestay” bắt đầu đi vào hoạt động, đón đoàn khách đầu tiên là một gia đình người Tây Ban Nha, biết đến homestay qua booking.com.
Đến năm 2018, số lượng khách tăng cao theo đà phát triển du lịch của Việt Nam. Những du khách chọn nghỉ ngơi, lưu trú ở homestay thay vì khách sạn cũng nhiều hơn. Chô quyết định sửa lại căn nhà, làm thêm một khu mới, với loạt phòng ở rộng rãi, thoáng hơn. Phía dưới là nhà ăn mở, cửa bốn bề trông sang vườn mận, con suối và con đường chạy chênh chếch lên đồi, dẫn vào những thung lũng ngô rộng thênh thang lúc nào cũng rợp nắng phía sau.
Vàng Seo Chô đang chuẩn bị bữa sáng cho khách.
Du khách đến nhà Chô, cảm giác đầu tiên là thân thiện, ấm cúng. Hai đứa trẻ lớn nhà Chô lúc nào cũng tíu tít bắt chuyện với khách, quen hơn thì đi hái mận trong vườn bọc vào gấu áo mời khách ăn. Những quả mận xanh lè còn chua nằm trong những ngón tay đầy mực tím của cậu bé người H'Mông hồn nhiên bỗng dưng làm cho khách thấy ngon hơn.
Bữa sáng trông sang vườn mận.
Ở “Cho and Family homestay”, khách đến có cảm giác như ở nhà, có thể ăn cơm cùng, thậm chí vào nấu ăn cùng gia đình luôn, hoặc đi hái rau ở vườn quanh nhà, hoặc vặt những ngọn rau bí ngọt lịm mọc đầy trên những hàng rào tre dọc đường lên núi. Buổi sáng, khách ăn sáng với buffet ngoài sân, trông lên phía vườn mận, trên nữa là bầu trời xanh ngắt, sảng khoái lạ thường.
Đi hái rau bí gần nhà.
Đám trẻ nhà Chô đi hái mận cho khách.
Homestay của Chô đã tạo công ăn việc làm cho khoảng năm lao động nữa trong gia đình. Ngoài vợ chồng Chô, còn có cô em vợ, cô em của Chô và ba cô cháu gái ở Si Ma Cai vốn không có việc làm tham gia những công việc như dọn phòng, nấu ăn, phục vụ khách… Mỗi ngày làm việc như vậy, Chô trả công cho họ 200 nghìn đồng/người.
Sân thượng được bài trí độc đáo, có thể dùng làm sân nướng BBQ.
Chô bảo, mấy năm gần đây, khách đến với Bắc Hà cũng đều hơn, nhiều du khách đánh giá Bắc Hà có nét riêng, chưa bị thương mại hóa. Trước khi có dịch bệnh, homestay của Chô một tuần full khách khoảng năm đêm. Khi dịch Covid-19 xảy ra, căn nhà gần như đóng cửa. Chô bảo, từ khi dịch bệnh đến nay mới có hai đoàn. Nhưng riêng đợt Bắc Hà có lễ hội đua ngựa và vào mùa mận thì khách khá đông, khách sạn nào cũng cháy phòng, homestay của Chô cũng không ngoại lệ.
Góc nhìn từ nhà sàn ra đường.
Làm homestay, tiếp cận nhiều nguồn thông tin, Chô biết đến Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED). Những lớp tập huấn, hỗ trợ bà con dân tộc vùng cao ở nhiều địa phương đã giúp cho họ có được cơ hội thay đổi cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững hơn. Chô học cách vận hành homestay quy củ, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Hiện tại, Chô cũng theo học các lớp dạy tiếng Anh, dạy nấu ăn, bài trí bàn ăn, phòng, cách làm buffet phục vụ khách do các cán bộ của CRED hướng dẫn.
Làm giàu trên quê hương, lại còn được giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, quê hương mình tới du khách bốn phương, lại giữ gìn được bản sắc văn hóa của cha ông truyền lại, điều đó còn gì bằng - Đó là suy nghĩ của Chô, đơn giản nhưng hiệu quả.
TUYẾT LOAN