Tư vấn du lịch phượt, đặt phòng homestay ở La Gi, Bình Thuận
La Gi là một thị xã thuộc tỉnh Bình Thuận. La Gi vốn là tên thị trấn huyện lị của huyện Hàm Tân và được nâng cấp, mở rộng thành đô thị loại IV từ năm 2005. Đến năm 2017, Thị xã La Gi lại được công nhận là đô thị loại III của Việt Nam và trở thành đô thị lớn thứ 2 của Bình Thuận.
Trên đường vào thị xã La Gi (Ảnh – Huy Nguyên) |
Lịch sử hình thành La Gi
Bên bờ con sông Dinh có dịch trạm Thuận Phước ở làng Phước Lộc nằm trong hệ thống dịch trạm dưới triều Nguyễn trung hưng. Địa giới La Gi thời ấy bao trùm phần đất thị trấn La Gi và một số vùng lân cận của Tân Thiện, Tân An, Tân Lý bây giờ… Khi thành lập huyện tại đây có 2 làng Phước Lộc và Hàm Tân, trụ sở huyện đặt trên làng Hàm Tân nên trở thành tên huyện và cũng từ đó không còn trực thuộc tổng Đức Thắng phủ Hàm Thuận nữa.
Quá trình hình thành dân cư ở La Gi mang tính đặc thù của một vùng đất tụ nghĩa. Với tiềm năng thiên nhiên phong phú, địa thế hẻo lánh, La Gi là nơi thu hút nhiều người dân miền Trung phiêu tán, tha phương cầu thực và không ít những người bất mãn chống đối nhà cầm quyền phong kiến địa phương về đây nương náu, khai phá, định cư lập nghiệp.
Thuở đầu triều Nguyễn trung hưng, những xóm làng lần lượt mọc lên ở các cửa sông Tam Tân, La Gi có đặt các dịch trạm như trạm Thuận Phước ở Phước Lộc, trạm Thuận Trình ở Tam Tân và trạm Thuận Lâm ở Khe Cả. Một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số như Cơ Ho, Raglai, Châu Ro… từ phía Đông Di Linh di cư xuống vùng Suối Kiết, Bà Giêng, Sông Phan. Trước đó, đã có một nhóm người Chăm lánh nạn chiến tranh dạt về phía Nam, lập làng định cư ở Hiệp Nghĩa, Phò Trì.
Năm 1867, khi 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, nhiều đồng bào Nam bộ “tị địa” ra Bình Thuận đã dừng chân sinh sống tại La Gi.
Năm 1877, doanh điền sứ Nguyễn Thông đã thân chinh về vùng đất hoang dã phía nam của tỉnh Bình Thuận rồi trình bức “nghĩ thĩnh thượng du khẩn sự nghi sớ” (Sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng thượng du) có nhắc đến: “… thuyền đi lúc rạng đông từ cửa trấn La Gi nếu thuận gió xuôi buồm thì đến cửa biển Phan Thiết phủ Hàm Thuận vào giờ ngọ hoặc giờ mùi. Xin chọn đất ở xóm Hàm Tân dựng tạm một kho đồn điền khai khẩn, tính toán số gạo muối tiền thóc cần thiết rồi đem thuyền chở nộp cho tỉnh, thì chở đến kho tạm ở Hàm Tân rồi dùng thuyền đến đó chở đi cũng tiện”.
Từ đó, với sức khai phá và tính cần cù, những người tứ xứ nói trên đã biến vùng đất màu mỡ này thành các làng mạc sầm uất.
Có thể coi địa danh La Gi và Hàm Tân đã song hành suốt chiều dài lịch sử hình thành một vùng đất giàu sự tích cho đến hôm nay.
Nên du lịch La Gi vào thời gian nào?
Không nên đến La Gi vào mùa mưa, hãy cố gắng đến đây vào mùa khô để thưởng thức và cảm nhận cái nắng và gió của vùng biển này (Ảnh – Gem Gem)
Khí hậu của La Gi mang tính chất chuyển tiếp giữa chế độ mưa của vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Hay nói cách khác khí hậu La Gi là vùng đệm giữa trung tâm mưa lớn của Miền Nam và đồng bằng ven biển. Tuy nhiên khí hậu ở đây vẫn diễn biến theo 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
- Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 lượng mưa trung bình năm 2.185 mm có khi cao tới 2.894 mm. Mùa này tuy mưa nhưng lại rơi vào khoảng thời gian hè, thời tiết nóng nên rất phù hợp cho du lịch tắm biển.
- Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Đây là thời điểm thời tiết vẫn có nắng nhưng đã dịu mát hơn, thời tiết khô không có mưa sẽ phù hợp cho việc nghỉ dưỡng hay cắm trại tại các bãi biển của La Gi.
Nhiệt độ không khí cao đều quanh năm và tương đối ổn định. Nhiệt độ trung bình năm: 22–26 °C.
Hướng dẫn đi tới La Gi
Bến xe Thị xã La Gi (Ảnh – Sáo Trúc Di Linh)
Phương tiện cá nhân
Nếu khởi hành từ Sài Gòn, có hai hướng để đến thị xã La Gi:
- Theo quốc lộ 1A đến hết địa phận tỉnh Đồng Nai, qua Căn cứ 5 (Z30D) Huyện Hàm Tân, gặp Ngã Ba 46 (thuộc thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân), cách thành phố Phan Thiết 46km. Tại ngã rẽ này, theo quốc lộ 55 hướng về phía biển 18km là đến trung tâm thị xã La Gi.
- Từ Sài Gòn đến ngã tư vòng xoay Vũng Tàu (Siêu thị Big C) rẽ về hướng Vũng Tàu nhưng chỉ đến Tp Bà Rịa, theo quốc lộ 55 chạy về thị trấn Bà Tô, Xuyên Mộc thẳng hướng suối nước nóng (Bình Châu) hoặc chuyển qua đường dọc bờ Biển sẽ đi ngang các khu du lịch Hồ Tràm, Hồ Cốc cũng đến được La Gi.
Phương tiện công cộng
Khi không có phương tiện cá nhân, các bạn có thể lựa chọn hệ thống giao thông công cộng để đến được với Thị xã La Gi.
Tàu hỏa + xe buýt
Nếu muốn một không gian thoải mái hoặc muốn kết hợp cùng du lịch Phan Thiết và du lịch Mũi Né, các bạn có thể lựa chọn phương tiện tàu hỏa để đi từ Sài Gòn đến trung tâm Tp Phan Thiết. Từ đây các bạn có thể tiếp tục sử dụng phương tiện xe buýt tuyến số 01 để đi từ Phan Thiết đến La Gi.
Xe giường nằm
Mặc dù không nhiều như số lượng xe giường nằm đi Phan Thiết và Mũi Né nhưng các bạn cũng có thể dễ dàng tìm được một số nhà xe có khai thác các tuyến xe đi La Gi.
Lưu trú tại La Gi
Hiện các bãi biển ở La Gi có rất nhiều resort, homestay đẹp mà bạn có thể lựa chọn để ở lại (Ảnh – Tung Nguyen)
Dần được đầu tư và quy hoạch thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của Bình Thuận, hiện nay thị xã La Gi đã và đang phát triển mạnh ngành dịch vụ để phục vụ lượng du khách đến ngày một đông hơn, đặc biệt là dịch vụ lưu trú. Hiện tại ở La Gi, số lượng cơ sở lưu trú có thể đáp ứng được hàng ngàn khách du lịch, cơ bản có thể đảm bảo lượng khách đến đây vào những dịp lễ đều có thể tìm được phòng.
Homestay La Gi, Bình Thuận
Đặt phòng homestay rất đơn giản, bạn có thể tham khảo ứng dụng Vnhomestay: https://vnhomestay.com.vn.
Vnhomestay LÀ NỀN TẢNG KẾT NỐI NGƯỜI CÓ NHU CẦU THUÊ HOMESTAY VÀ CHỦ NHÀ
1, Các homestay được hiển thị và chỉ đường trên bản đồ quanh vị trí hiện tại của người dùng hoặc quanh địa điểm người dùng tìm kiếm. | |||
2, Nền tảng không thực hiện việc đặt phòng, khách hàng không phải thanh toán trước, chỉ thực hiện kết nối thông tin cung cầu. | |||
3, Các thông tin du lịch như địa danh, quán ăn, địa điểm vui chơi, mua sắm sẽ hiển thị và được tính khoảng cách với homestay người dùng chọn, để hỗ trợ người dùng tự lập kế hoạch du lịch. |
Các địa điểm du lịch La Gi
Dinh Thầy Thím
Cổng vào Dinh Thầy Thím (Ảnh – Bích Hà Bùi)
Dinh Thầy Thím hiện tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Dinh có dạng kiến trúc như một ngôi đình làng bao gồm nhiều công trình, như: Tam quan, Võ ca, chính điện, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ Hậu hiền, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng, phòng Truyền thống,v.v…. Trên thanh xà cò của Dinh còn dòng chữ Hán khắc chìm “Kỷ Mão niên thập nhị quạt nhị thập ngũ nhật kiến tạo” có nghĩa là kiến tạo ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879). Các công trình kiến trúc với nghệ thuật điêu khắc chạm trỗ và các trang trí nội thất của Dinh Thầy Thím thể hiện rõ nét kiểu cách kiến trúc cung đình.
Ngảnh Tam Tân
Bãi biển ngảnh Tam Tân (Ảnh – Long Lâm Thiên)
Ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến, cách trung tâm La Gi khoảng 12km, đây cũng là địa danh nổi tiếng gắn liền với khu di tích Dinh Thầy Thím. Bờ biển Tam Tân là nơi có cảnh quan đẹp với bờ cát trắng mịn màng.
Vạn Phước Lộc
Đình và Vạn Phước Lộc, Thị xã La Gi (Ảnh – Tommy Truong79)
Nằm ở phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, Đình và vạn Phước Lộc được hình thành từ lâu đời do các thế hệ ngư dân người Việt đầu tiên đến lập làng, mở ấp. Công trình được chia thành hai phần là đình và vạn, trong đó đình là nơi thờ Hoàng Thành bổn xứ có công khai mở đất làng La Gi và vạn là nơi thờ Thần Ông Nam hải (cá voi) của ngư dân địa phương.
Nét độc đáo của di tích Vạn Phước Lộc vừa là dinh vạn thiết chế tín ngưỡng dân gian thường thấy ở vùng biển nhưng lại cũng có đình thờ Tiền hiền – Hậu tổ theo tập tục thờ Thành hoàng bổn cảnh của người dân vùng nông thôn. Trong khuôn viên di tích có điện thờ thần Nam Hải. Trước khám thờ có tẩm thờ hàng trăm bộ ngọc cốt cá Ông được lưu giữ từ nhiều đời, trong đó có bộ xương lớn cá Ông (còn gọi là Ông Đại) có cách đây trên 200 năm.
Cạnh bên, là điện thờ Thành hoàng bổn cảnh, là nơi thờ thần của làng dù không có sắc phong của nhà vua, không có ruộng làng, không cúng lệ tịch điền… nhưng trong tín ngưỡng dân làng đó là những nhân thần vô danh có công lập làng Phước Lộc và sau đó là các vị “khai canh, khai khẩn”.
Đình và Vạn Phước Lộc, sau này được phục dựng theo lối kiến trúc tứ trụ, trang trí họa tiết hình tượng lưỡng phụng tranh châu, câu đối, hoành phi chữ Hán Nôm, ghi nhớ công lao bậc Tiền hiền – Hậu tổ đã mở đất lập làng.
Bãi biển Cam Bình
Thuyền thúng đánh bắt hải sản của người dân trên bãi biển Cam Bình (Ảnh – Thiên Trân Nguyễn)
Bãi biển Cam Bình nằm bên dưới rừng dương xanh bát ngát, không khí tại nơi đây rất mát và thoáng đãng, tại nơi đây lúc nào cũng có gió hiu hiu thổi vào từ biển cộng thêm bóng mát từ những tán lá dương, cát trắng láp lánh dưới nắng, sóng biển vỗ rì rào, thực sự lý tưởng cho việc tắm biển, cắm trại, chơi các trò chơi và nghỉ dưỡng tại đây.
Khi đến du lịch Cam Bình, các bạn có thể lựa chọn một trong 2 phương án
- Thuê bãi ( quán sẽ cho bạn thuê bãi, có bạt để ngồi, ly chén đũa để ăn, dịch vụ vệ sinh bãi biển sau khi sử dụng, dịch vụ tắm nước ngọt sau khi tắm biển xong, nấu ăn – chế biến món ăn cho khách), cái này phù hợp với các bạn muốn mang đồ ăn cá nhân của mình theo, hoặc mua hải sản trực tiếp từ biển. Mức giá thuê từ 60k đến 100k/người/ngày.
- Ra ăn hải sản của quán sẽ không bị tính phí gì, chỉ trả tiền theo menu ( bao ghế ngồi, ghế ngã, võng khi yêu cầu, có nước rửa tay sau khi ăn hải sản xong, tắm nước ngọt)
Coco Beach Camp
Đây là một tổ hợp giải trí ven biển với nhiều hình thức lưu trú cùng các trò chơi hấp dẫn (Ảnh – FB Coco Beachcamp)
Đây là một khu cắm trại nằm ở bãi biển Cam Bình của Thị xã La Gi. Coco Beach nổi tiếng với những bãi biển trải dài, nhiều trò chơi, nhiều góc để sống ảo và hơn cả là những dãy lều, bungalow sát biển phục vụ du khách, nhất là các bạn trẻ.
Bãi biển Đồi Dương, La Gi
Bãi biển Đồi Dương, La Gi (Ảnh – Le Dai)
Đồi Dương La Gi là một địa danh lâu đời nay thuộc phần đất xã Tân Bình và phường Bình Tân, thị xã La Gi. Một dải đất đồi lượn sóng dọc theo bờ biển dài trên 5 km với rừng cây phi lao (cây dương) được trồng dưới thời Pháp thuộc (1939) để chắn cát biển xâm thực. Đã một thời Đồi Dương bạt ngàn cây dương liễu xanh biếc hoà với tiếng sóng ru theo nhịp vỗ thời gian in sâu trong lòng người bản xứ.
Từ Đồi Dương bạn có thể nhìn thấy đảo nhỏ Hòn Bà với huyền thoại của câu chuyện tình đầy trắc ẩn để rồi còn lại một dấu chấm than lung linh trên mặt biển mênh mông bây giờ. Ở địa đầu Đồi Dương có giếng nước Nguồn Chung (Nước Nhỉ) không thôi mạch chảy ngọt ngào trào ra từ động cát trắng có những bụi dứa đong đưa cánh lá như thì thầm bao nỗi thăng trầm. Chiều chiều những con còng còng gió trốn chạy lúc bầy chim hải âu từ xa khơi bay về, vội vã lướt trên cát tìm nơi ẩn mình. Nắng gió một ngày, biển bờ ở đây lại trải nỗi buồn vui nhưng với bầu trời luôn ấm áp trong xanh.
Chợ La Gi
Chợ rất gần khu vực tàu cá tập kết. Bạn nên đến đây vào sáng sớm để chiêm ngưỡng bức tranh lao động nhộn nhịp, cũng như mua hải sản tươi ngon, giá rẻ.
Đảo Hòn Bà
Hòn Bà cách bờ biển La Gi khoảng hơn 2km (Ảnh – hades)
Đảo nhỏ Hòn Bà nằm ngoài khơi cách thị xã La Gi khoảng 2km, chiều cao của đảo khoảng 40m, có diện tích 2,8 ha và có đường vòng bờ chân đảo hơn 750 m. Nhìn từ xa, đảo có hình dáng như một con rùa khổng lồ đang vươn mình ra khơi. Bao quanh đảo toàn là đá, chỉ có một bờ cát nhỏ duy nhất là nơi cập thuyền.
Được biết, Đảo Hòn Bà là nơi ngư dân La Gi thờ cúng nữ thần Thiên YaNa, một vị nữ thần của người Chăm cổ, tượng nữ Thần Thiên Y Ana bằng đá, được các nghệ nhân Chăm tạc từ một khối đá nguyên tại chỗ. Người Chăm đã xây ngôi đền trên ngọn của đảo để tôn vinh nữ thần của mình. Vào những thế kỷ trước, đi biển là nghề chính thu hút đông đảo ngư dân Chăm ven bờ mà dấu vết của những làng ngư cổ vẫn còn. Do vậy, việc thờ tượng Nữ thần ở đây cũng là sự cầu mong cho Nữ thần phù hộ, cứu nạn cho họ trên biển. Trong chiến tranh, ngôi đền thờ vị nữ thần của người Chăm bị hư hỏng và xuống cấp. Mãi đến năm 1969, bà con ngư dân huyện Hàm Tân (nay là thị xã La Gi và huyện Hàm Tân) đã ra Hòn Bà xây dựng lại đền.
Ngày nay, trên đảo cũng có tượng phật Quan Âm, một bên là thờ phật Thích Ca. Phật thần thông quảng đại, Quan Âm cứu nạn cứu khổ cho những người đi biển. Các quan niệm và thần thánh khác nhau, cũng đều là nguyện ước an lành. Ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày lễ và hội của nhân trong vùng nói chung và dân đi biển nói riêng tưởng nhớ đến Bà và cầu cho biển êm, mưa thuận gió hòa.
Khu du lịch núi Tà Cú
Cáp treo lên núi Tà Cú (Ảnh – Huỳnh Như)
Núi Tà Cú nằm ven quốc lộ 1A tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết 28km về phía Nam, là một địa điểm leo núi, một thắng cảnh kỳ thú của tỉnh Bình Thuận có đỉnh cao 649m so với mặt nước biển. Khung cảnh nơi đây hoang sơ, kỳ vỹ với núi non trùng điệp, thấp thoáng mái chùa cổ kính ẩn sau rừng cây.
Khí hậu ở Tà Cú quanh năm trong lành mát mẻ. Đến đây vào mỗi độ xuân về, du khách thỏa thích ngắm hoa mai vàng, hoa vông đỏ nở thơm nức cả cánh rừng. Nhiều loại cây như trắc, giáng hương, bằng lăng rợp cả ngọn núi. Đặc biệt, dòng nước suối trong vắt tuôn ra từ những khe đá trên núi mát lạnh, trong veo càng làm cho khung cảnh thiên nhiên trở nên kỳ thú.
Có hai cách để lên núi Tà Cú. Một là men theo hơn 1.000 bậc thang, tốn gần 3 giờ đồng hồ để lên núi. Phương án này thường được các du khách thích mạo hiểm, có sức khỏe tốt thực hiện. Cách thứ 2 chỉ mất 15 phút đã có mặt trên đỉnh vừa nhanh lại vừa tiện là cáp treo.
Chùa núi Tà Cú
Chùa nằm trên khu du lịch Tà Cú nên người dân gọi là Chùa Núi Tà Cú (Ảnh – Bùi Thụy Đào Nguyên)
Chùa núi Tà Cú (người địa phương hay gọi đơn giản là chùa Núi) là một ngôi chùa tọa lạc trên núi Tà Cú ở độ cao hơn 400 m. Phía trên chùa, cách hang Tổ khoảng 50 m là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49 m, cao 7 m. Tác phẩm do ông Trương Định Ý chủ trì, được đúc bằng bê tông cốt thép trong đợt trùng tu năm 1963. Cách pho tượng khoảng 50 m về phía dưới là nhóm tượng Di đà Tam tôn xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen: tượng A Di Đà ở giữa cao 7 m, bên trái là tượng Quán Thế Âm và bên phải tượng Đại Thế Chí đều cao 6,5 m. Tháp mộ của Tổ và của các nhà sư trụ trì đã qua đời được chia thành hai cụm ở trước điện thờ và sau điện thờ. Tháp Tổ nằm trước điện thờ, bên cạnh có mộ con cọp tương truyền là đã được sư Hữu Đức thuần hóa.
Mũi Kê Gà
Mũi Kê Gà (Ảnh – Mai Trân)
Mũi Kê Gà còn được gọi là mũi Khe Gà ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Đây là một mũi đất nhô ra biển Đông cách thành phố Phan Thiết khoảng 40 km về phía tây nam, tọa độ 10⁰41’42” vĩ bắc, 107⁰59’8″ kinh đông.
Mũi Kê Gà đúng ra là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét, tục gọi là Hòn Bà. Khi thủy triều lên thì Kê Gà bị cách biệt như một hải đảo nhưng khi nước rút xuống thì một dải cát hiện ra nối mũi Kê Gà vào đất liền.
Hải đăng Kê Gà
Hải đăng Kê Gà (Ảnh – Hứa Lê Thiên Bảo)
Hải đăng Kê Gà (hoặc Khe Gà) ở mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam (trước thuộc huyện Hàm Tân), tỉnh Bình Thuận. Đây là một ngọn tháp cao thắp đèn dùng cho tàu thuyền giao thông trong khu vực, và đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam.
Hiện nay, hòn đảo Khe Gà và ngọn Hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách khi đến thăm tỉnh Bình Thuận. Hải đăng Khe Gà còn là di tích kiến trúc độc đáo.
Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, Mũi Khe Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Khe Gà. Trong thời gian xây dựng hải đăng, có nhiều người thiệt mạng do tai nạn xây cất. Hiện nay, ở đây vẫn còn nghĩa địa nơi yên nghỉ của những người đã chết khi xây dựng công trình này.
Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Xung quanh chân Hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước đến nay còn nguyên, toả bóng mát quanh năm. Vật liệu xây cất được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện.
Ăn gì ở La Gi
Chả lụi La Gi
Chả lụi La Gi (Ảnh – tun_stagram)
Nếu Phan Thiết có món mì quảng vịt được dân Nam bộ khá ưa chuộng, thì tại thị xã La Gi người dân cũng “sáng chế” ra món chả lụi, ăn một lần rồi sẽ khó quên. Thoạt đầu, chả lụi do chị Căn người khu phố 3, phường Phước Lộc, mày mò chế biến nên. Nguyên liệu tạo ra chả lụi, chủ yếu tôm tươi, thịt ba rọi. Hai món này sau khi ướp đủ các loại gia vị thì cho vào cối xay nhuyễn. Xay xong lại cho vào cối lớn quết thêm lần nữa, để thịt và tôm quyện vào nhau, thật mịn. Bánh tráng mỏng cắt thành miếng nhỏ đều nhau, cho nhân vào giữa, quết thịt và tôm (giã mịn) chung quanh, rồi gói như kiểu gói nem, cũng có thể gói thành cuốn như cuốn ram. Công đoạn cuối là dùng que nhọn đâm xuyên qua gói chả đã gói, rồi đặt lên vỉ (bên dưới có lò lửa than) để nướng. Khi nguyên liệu bên trong đã chín, bánh tráng cuốn bên ngoài đạt độ vừa giòn thì lấy xuống. Cần nhớ, lửa than không được lớn quá, vì như thế dễ cháy và không giữ được vị ngọt béo tự nhiên.
Rau sống và nước chấm là hai món phụ nhưng đặc biệt quan trọng với món chả lụi. Rau sống phải là rau xanh thật tươi, cộng với xoài xanh thái nhỏ, khế, dưa leo. Nước chấm phải đầy đủ: ớt, me, đậu phộng giã nhuyễn… Nói chung, chén nước chấm phải đạt đủ các yếu tố vừa cay, vừa chua, vừa ngọt, vừa bùi. Khi ăn, chỉ việc cho chả, rau nếu cần thêm nem, trứng vào miếng bánh tráng cuốn, dùng tay cuộn thật gọn vậy là xong, chấm mắm và ăn.
Cá đục nướng
Cá đục nướng trên than hồng ăn kèm bánh tráng cuốn dưa leo (Ảnh – hongdung1188)
Là một loại cá đặc trưng của vùng biển La Gi, cá đục vàng luôn được người dân địa phương và du khách ưa chuộng, bởi thịt cá có vị ngọt, thơm ăn kèm bánh tráng cuốn với dưa leo, rau xanh sau khi thỏa sức vẫy vùng bên dòng nước biển xanh trong thì không gì bằng.
Cá đục có thân nhỏ, dài 10-15 cm được ngư dân làng chài đánh bắt trong vùng biển gần bờ. Sau khi bắt được cá, ta làm sạch để ráo, giã nhỏ ớt xanh, thêm ít bột ngọt, muối để ngấm gia vị khoảng 10 phút là đã sẵn sàng cho cá đục nướng thơm lừng. Cá ngon khi được nướng trên những than lửa hồng, vảy cá chuyển sang màu vàng ươm là có thể thoải mái thưởng thức.
Cá bò hòm nướng
Cá bò hòm thường được nướng trực tiếp trên than hồng (Ảnh – sonle11)
Cá bò hòm là một loại cá có nhiều ở vùng biển Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Do loài cá này có mặt nhìn giống loài bò, thân hình vuông vức nên người dân địa phương gọi nó đơn giản bằng cái tên “bò hòm”. Cá bò hòm thuộc giống cá nóc, thịt trắng phau, có sớ dọc và dai giống hệt thịt gà.
Gỏi cá mai
Gỏi cá mai (Ảnh – Thu Hiền)
Đến La Gi, ngoài thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon của xứ biển, có món đặc sản bạn không nên bỏ qua là gỏi cá mai. Cá mai có vị ngọt, thịt dai, thơm. Sau khi bắt lên cá được làm sạch, rút hết xương, cắt phi lê lát mỏng vừa phải sau đó vắt chanh lên để trong vòng 5-10 phút cho tái chín. Sau đó đem trộn với rau hành, cà rốt, đậu phộng, hành phi, muối tiêu…sao cho vừa miệng và hợp với khẩu vị.
Lịch trình du lịch La Gi
Các bạn có thể kết hợp phượt La Gi khi du lịch Phan Thiết hay Mũi Né (Ảnh – anna_rudenko93)
Sài Gòn – La Gi – Tà Cú – Kê Gà
Ngày 1: Sài Gòn – La Gi
Từ Sài Gòn xuất phát đi La Gi, khoảng 150km nên sẽ mất khoảng 4-5 tiếng, tùy vào tốc độ di chuyển của các bạn. Đi từ Sài Gòn ngày đầu tiên này, các bạn có thể lựa chọn đi theo hướng phà Cát Lái, rẽ theo QL51 đi Vũng Tàu rồi đi theo đường ven biển QL55 để tới La Gi.
Tắm biển tại bãi tắm Cam Bình hoặc vào Coco Beach Camp chơi các trò chơi biển.
Tối cắm trại tại coco beach camp, nếu không muốn thì các bạn có thể lựa chọn phương án ở nhà nghỉ hoặc resort tùy theo nhu cầu và khả năng thực tế của đoàn.
Ngày 2: La Gi – Dinh Thầy Thím – Khu du lịch Tà Cú – Kê Gà
Từ trung tâm Thị xã La Gi, đi Dinh Thầy Thím rồi chạy qua khu du lịch Tà Cú. Ăn trưa và nghỉ ngơi tại Tà Cú.
Đầu giờ chiều khởi hành đi hải đăng Kê Gà. Chơi bời chụp ảnh ở đây, tối ngủ ở Kê Gà.
Ngày 3: Kê Gà – Sài Gòn
Từ mũi Kê Gà các bạn chạy ngược ra QL1A rồi đi về Sài Gòn. Có thể đi lại đường cũ ở ngày 1 nhưng nếu không muốn chạy lại đường cũ thì các bạn hãy đi theo đường 1A về.
Tìm trên Google
- kinh nghiệm du lịch la gi 2020
- hướng dẫn đi phượt la gi tự túc
- ăn gì ở la gi
- chơi gì ở la gi
- cắm trại ở la gi
- phượt la gi bằng xe máy
- khu cắm trại coco beach camp la gi
- kinh nghiệm đi phượt kê gà
- phượt hải đăng kê gà