Tư vấn du lịch phượt, đặt phòng homestay ở Phú Yên
Toàn cảnh thị xã Tuy Hòa bên sông Đà Rằng, Phú Yên năm 1970 (Ảnh – Steve) |
Phú Yên nằm ở miền Trung Việt Nam, tỉnh lỵ Phú Yên là thành phố Tuy Hòa, cách thủ đô Hà Nội 1.160 km về phía Nam và cách Thành phố Hồ Chí Minh 560 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A. Phú Yên có 3 mặt là núi, phía Bắc có dãy Đèo Cù Mông, phía Nam là dãy Đèo Cả, phía Tây là mạn sườn Đông của dãy Trường Sơn, và phía Đông là biển Đông.
Từ năm 1570, Nguyễn Hoàng là trấn thủ vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của Đại Việt. Năm 1578 ông sai tướng dưới quyền Lương Văn Chánh tấn công vào thành Hồ, là thủ phủ của Chăm Pa tại vùng Ayaru (Phú Yên), thành Hồ bị thất thủ, từ đó vùng đất Ayaru là nơi tranh chấp thường xuyên giữa người Việt và người Chăm. Theo chính sách của chúa Nguyễn ông đã chiêu tập và đưa lưu dân từ các vùng Thanh – Nghệ, Thuận – Quảng vào đây để khẩn hoang lập ấp, tạo dựng cơ nghiệp. Năm 1611, Nguyễn Hoàng sai viên tướng dưới quyền là Văn Phong tấn công vào Aryaru, Chăm Pa thất bại. Nguyễn Hoàng sáp nhập Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong với tên gọi Phú Yên và giao cho Văn Phong cai quản đất Phú Yên. Tên gọi này do chúa Nguyền Hoàng đặt với ước nguyện về một miến đất trù phú, thanh bình trong tương lai.
Phú Yên ngày nay (Ảnh: bibi_tato88) |
Về cảnh quan thiên nhiên, Phú Yên còn sở hữu nhiều bãi biển rộng lớn, nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài gần 200km bờ biển, gắn với nhiều đầm, vịnh cảnh quan thiên nhiên đẹp, nổi bật nét kiến tạo địa chất độc đáo như gành Đá Đĩa, Hòn Yến, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Bãi Xép, Bãi Môn –Mũi Điện, Vũng Rô, núi Đá Bia, Hòn Nưa. Ngoài ra, nhờ thiên nhiên ưu đãi, Phú Yên có nhiều đặc sản văn hóa ẩm thực như sò huyết Ô Loan, ốc nhảy, ghẹ đầm Cù Mông, cá ngừ, bánh tráng lòng heo Hòa Đa, bò một nắng, các sản vật tôm, mực, cá miền biển và nước ngọt có vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn đối với khách du lịch….
Phú Yên cũng còn giữ được rất nhiều di sản văn hóa (Ảnh: t.t.kha) |
Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, Phú Yên còn bảo tồn và phát huy được nhiều di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình đa dạng, phong phú như: Lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ; đặc biệt lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển và nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chinh năm của đồng bào dân tộc Chăm, Bana ở miền núi Phú Yên, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phú Yên còn có các lễ hội liên quan đến danh nhân lịch sử (Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Trần Phú), các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng…
Nên du lịch Phú Yên vào thời gian nào?
Phú Yên mùa nào cũng đẹp, trừ mùa mưa lũ. Thế nên hãy theo dõi thời tiết trước khi đến đây nhé (Ảnh – mymyha_)
Phú Yên mang hình thái khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 và mùa nắng từ tháng 1 đến tháng 8. Nhiệt độ trung bình hằng năm 26,5 °C. Một vài thời điểm thích hợp để du lịch Phú Yên như:
- Khoảng từ tháng 3-8, thời tiết lúc này nắng đẹp, ít mưa nên rất phù hợp cho các hoạt động biển. Từ tháng 9-12 hàng năm tuy vào mùa mưa nhưng chỉ cần theo dõi thời tiết một chút là vẫn có thể sắp xếp để đi bởi dịp này vé máy bay thường sẽ rẻ hơn do không phải vào mùa cao điểm.
- Lễ hội đầm Ô Loan được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng (Âm lịch) tại thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An. Lễ hội này có tư cách là lễ hội cầu ngư của người dân quanh đầm Ô Loan.
Hướng dẫn đi tới Phú Yên
Phương tiện cá nhân
Cách Hà Nội khoảng 1200km và Sài Gòn khoảng hơn 500km, các bạn sống ở 2 đầu đất nước có thể khám phá Phú Yên bằng phương tiện cá nhân trong một chuyến hành trình xuyên Việt. Nếu ở các địa phương lân cận như Khánh Hòa hay Bình Định, việc đến Phú Yên bằng phương tiện cá nhân sẽ thuận lợi hơn. Nếu không định xuyên Việt, các bạn hãy sử dụng phương tiện công cộng để đảm bảo thời gian cũng như sự an toàn.
Phương tiện công cộng
Máy bay
Các chuyến bay tới Phú Yên được khai thác hàng ngày từ cả Hà Nội và Sài Gòn (Ảnh – linhkhanh23)
Chỉ cách trung tâm Tp Tuy Hòa khoảng 10km, việc di chuyển đến Phú Yên bằng máy bay khá thuận lợi do quãng đường di chuyển đến sân bay không dài. Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến bay đi Tuy Hòa của VietJet (3000k++), VietnamAirlines (3500k++). Từ Sài Gòn các chuyến bay có giá rẻ hơn VietJet (1500k++) Jetstar Pacific (1100k++)
Từ sân bay Tuy Hòa các bạn nên sử dụng phương tiện taxi để về trực tiếp khách sạn cho tiết kiệm thời gian bởi chi phí không quá cao.
Tàu hỏa
Cũng giống sân bay, ga Tuy Hòa nằm ngay trong trung tâm thành phố nên việc di chuyển khá thuận lợi (Ảnh – Trung Nhân Phạm)
Để đến với Phú Yên bằng đường sắt, các bạn có thể bắt các chuyến tàu Bắc Nam từ các nha ga ở cả 2 đầu đất nước. Các chuyến tàu đều dừng ở ga Tuy Hòa, đây là nhà ga chính của tuyến đường sắt Bắc Nam và lớn nhất ở Phú Yên.
Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7, SE9 khởi hành từ ga Hà Nội và có dừng ở ga Tuy Hòa. Thời gian nhanh nhất vào khoảng 22 tiếng và lâu nhất khoảng 26 tiếng, các chuyến tàu phù hợp (đến Tuy Hòa vào thời gian ban ngày, gần khớp với thời gian nhận phòng khách sạn và có thể đi chơi được luôn) là SE9 (khởi hành từ Hà Nội lúc 14h30 và đến Tuy Hòa lúc 15h31), SE5 (khởi hành từ Hà Nội lúc 9h00 và đến Tuy Hòa lúc 8h47)
Từ Sài Gòn, số lượng các chuyến tàu đi Tuy Hòa có nhiều hơn từ đầu Hà Nội, các chuyến tàu bao gồm SE2, SE4, SE6, SE8, SE10, SE12, SE22, SE26, SE28 và SQN2. Thời gian đi của tàu từ 8-12 tiếng. Các chuyến tàu phù hợp là SE8 (khởi hành từ Sài Gòn lúc 6h00 và đến Tuy Hòa lúc 15h34), SQN2 (khởi hành từ Sài Gòn lúc 21h25 và đến Tuy Hòa lúc 9h07) SE26 (khởi hành từ Sài Gòn lúc 19h00 và đến Tuy Hòa lúc 5h41).
Xe giường nằm
Với các tuyến xe giường nằm, có thể do thời gian di chuyển khá dài nên từ Hà Nội có ít các xe khách đi Phú Yên hơn so với Sài Gòn. Với khoảng cách chỉ khoảng hơn 500km, xe từ Sài Gòn đi Phú Yên chỉ mất khoảng từ 10-12 tiếng trong khi từ Hà Nội khoảng cách và thời gian sẽ dài gấp đôi. Các bạn từ Hà Nội nếu muốn đi du lịch Phú Yên có lẽ không nên lựa chọn phương tiện xe khách.
Đi lại ở Phú Yên
Xe buýt
Mạng lưới xe buýt công cộng ở Phú Yên chỉ có một vài tuyến và cũng không phủ rộng được hết đến những điểm du lịch cần thiết. Nếu sử dụng xe buýt để làm phương tiện đi lại, các bạn cũng cần kết hợp thêm đi bộ và thậm chí sử dụng cả xe ôm để có thể tới được địa điểm mình cần.
Thuê xe máy
Thuận tiện nhất vẫn là di chuyển bằng xe máy khi đến Phú Yên (Ảnh – anhs.cong)
Nếu như trước đây, cả Tp Tuy Hòa chỉ có thể tìm được 1-2 địa chỉ để thuê xe máy thì hiện giờ có phần nào dễ hơn. Có lẽ, do Phú Yên dần trở thành một điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ nên cùng với đó các dịch vụ cho thuê xe máy ở đây cũng phát triển hơn, số lượng xe nhiều, thủ tục thuê xe đơn giản hơn trước. Các bạn có thể dễ dàng kiếm 1 chiếc xe để đi lại trong những ngày ở Phú Yên.
Taxi
Phương tiện phù hợp với nhóm đông người, gia đình có người già và trẻ nhỏ. Hiện trên địa bàn Phú Yên chỉ có một vài hãng taxi hoạt động, các bạn nếu hài lòng với taxi nào có thể giữ liên hệ với lái xe đó để đặt lịch đưa đi chơi trong những ngày ở Phú Yên
- Taxi Mai Linh Phú Yên: 0257 3898989
- Taxi Vinasun Phú Yên: 0257 3888888
- Taxi Sun Phú Yên: 0257 3797979
- Taxi Sao Phú Yên: 0257 3666666
- Taxi Tiên Sa: 0257 3686868
Lưu trú ở Phú Yên
Có rất nhiều địa điểm lưu trú ở Phú Yên mà nếu khéo tìm, bạn sẽ có một nơi vừa đẹp lại vừa rẻ (Ảnh – camomile2001)
Khách sạn ở Phú Yên
Với tiềm năng phát triển du lịch lớn nhưng số lượng khách sạn cao cấp ở Phú Yên chưa nhiều. Toàn tỉnh chỉ có một vài cơ sở lưu trú 4-5 sao còn lại hầu hết là những khách sạn nhỏ, quy mô cũng như số lượng phòng không lớn. Chính những điều này đôi khi lại là lợi thế của du lịch Phú Yên do các vị trí cảnh quan đẹp vẫn gần như hoang sơ, không bị thâu tóm bởi các dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Nhà nghỉ ở Phú Yên
Nhà nghỉ là loại hình lưu trú phổ biến nhất, có ở hầu khắp các địa phương cũng như các địa điểm du lịch trong tỉnh. Với lợi thế giá rẻ cùng sự dễ tìm, với những ai không có yêu cầu quá cao về việc lưu trú, đây có thể là một lựa chọn ngon bổ rẻ.
Homestay ở Phú Yên
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, xứ “hoa vàng cỏ xanh” cũng thu hút được một lượng lớn khách du lịch trẻ cả trong và ngoài nước, những nhóm du khách này thường kết hợp hoạt động du lịch và khám phá văn hóa địa phương nên đã thúc đẩy và hình thành các dịch vụ homestay ở Phú Yên.
Homestay Phú Yên
Đặt phòng homestay rất đơn giản, bạn có thể tham khảo ứng dụng Vnhomestay: https://vnhomestay.com.vn.
Vnhomestay LÀ NỀN TẢNG KẾT NỐI NGƯỜI CÓ NHU CẦU THUÊ HOMESTAY VÀ CHỦ NHÀ
1, Các homestay được hiển thị và chỉ đường trên bản đồ quanh vị trí hiện tại của người dùng hoặc quanh địa điểm người dùng tìm kiếm. | |||
2, Nền tảng không thực hiện việc đặt phòng, khách hàng không phải thanh toán trước, chỉ thực hiện kết nối thông tin cung cầu. | |||
3, Các thông tin du lịch như địa danh, quán ăn, địa điểm vui chơi, mua sắm sẽ hiển thị và được tính khoảng cách với homestay người dùng chọn, để hỗ trợ người dùng tự lập kế hoạch du lịch. |
Các địa điểm du lịch ở Phú Yên
Tuy Hòa
Bảo tàng tỉnh Phú Yên
Bảo tàng Phú Yên (Ảnh – Nhi Hoai Le)
Bảo tàng Phú Yên là một công trình kiến trúc mang ý nghĩa thực tiễn, lịch sử, nghệ thuật… tọa lạc trên đường Trần Phú, phường 5, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Bảo tàng có tổng diện tích 3 ha, bên trong bảo tàng hiện đang trưng bày hàng chục ngàn cổ vật, hiện vật đạt chuẩn quốc gia.
Tháp Nhạn
Tháp Nhạn, Phú Yên (Ảnh – vhnn.vy)
Tháp Nhạn trong tiếng Ê-Đê và Jarai gọi là tháp KơHmeng là một tháp Champa nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 12. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao khoảng 23,5m. Mỗi cạnh chân tháp dài 10m.
Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, nhiều phần của tháp bị hư hỏng nặng, nhưng nhờ được sự trùng tu, tôn tạo tháp được phục dựng lại nguyên gốc và mang một vẻ đẹp mới.
Núi Chóp Chài
Đỉnh núi Chóp Chài, điểm ngắm toàn cảnh Tp Tuy Hòa (Ảnh – Thanh Nhân)
Núi Chóp Chài cao 394 mét so với mực nước biển, nổi lên giữa đồng bằng Tuy Hòa, thuộc địa phận xã Bình Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km về phía Tây Bắc, ngay sát quốc lộ 1A. Chu vi quanh chân núi là 10 km. Núi Chóp Chài cùng với sông Ba là những biểu tượng quen thuộc về Phú Yên.
Núi Chóp Chài có hình dáng khá vuông vức trông tựa như một kim tự tháp khổng lồ. Đứng trên đỉnh núi sẽ có được tầm nhìn bao quát tới biển, vùng đồng bằng dưới chân núi. Trên núi có hang Dơi (hay Trai Thuỷ) rộng 5 m và rất sâu. Lưng sườn núi có các công trình kiến trúc Phật giáo như chùa Hoà Sơn, Minh Sơn, Khánh Sơn, Bảo Lâm.
Bãi biển Tuy Hòa
Bãi biển Tuy Hòa (Ảnh – quynhsau)
Là bãi biển nằm ngay trung tâm thành phố, bãi biển Tuy Hòa là địa điểm được người dân địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí hay tắm biển hàng ngày. Tuy vậy, biển Tuy Hòa được chính người dân địa phương đánh giá là bãi biển khá dữ, nguy hiểm nên không phù hợp để bơi. Nếu là du khách phương xa đến, các bạn chỉ nên nghỉ ngơi trên bờ biển hóng mát.
Bãi biển Long Thủy
Vẻ bình yên của bãi biển Long Thủy (Ảnh – junlamethyst)
Đi về hướng Bắc, cách trung tâm thành phố Tuy Hoà khoảng 10 km đường ôtô, nằm gần kề Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà. Long Thuỷ đã từ lâu được xem là bãi biển đẹp, được kết hợp hài hoà độc đáo của phong cảnh thiên nhiên, cùng với những rặng dừa xanh rợp bóng kéo dài trên bờ biển cát mịn.
Hòn Chùa
Hòn Chùa còn khá hoang sơ, đang là một địa điểm hấp dẫn với du lịch biển Phú Yên (Ảnh – huuanhnguyen)
Hòn Chùa nằm trong cụm hòn Dứa, hòn Than biển Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa. Hòn Chùa cách đất liền khoảng 7km. Giữa biển nước mênh mông, nhìn từ xa, hòn Chùa hiện lên như một tấm thảm xanh. Nơi đây không chỉ có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng mà còn là điểm du lịch hoang sơ của Phú Yên. Muốn ra hòn Chùa, du khách đến bãi biển Long Thủy hoặc làng chài Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An) thuê ca nô để ra đảo.
Tuy An
Đầm Ô Loan
Đầm Ô Loan (Ảnh – nana_blackpeony)
Đầm Ô Loan thuộc địa phận huyện Tuy An, có diện tích toàn mặt nước là 1.570ha, cách thành phố Tuy Hoà về phía bắc 20 km. Lòng đầm chỗ sâu nhất khoảng 6 mét, chỗ cạn, thường là ven bờ, khoảng trên 1 mét. Riêng phía trên cửa Lễ Thịnh thuộc địa phận An Hải mực nước sâu tới 10 mét.
Khi đứng trên đỉnh đèo Quán Cau, du khách phóng tầm nhìn bao quát khắp cả vùng thì đầm Ô Loan như một mặt hồ rộng yên ả được bao bọc bởi những dãy đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt…Nhìn từ phía nam, đầm Ô Loan giống như chim phượng hoàng đang xoải cánh, còn trên bản đồ Ô Loan giống con thiên nga đang thong thả bay trên bầu trời cao xanh thăm thẳm.
Đầm Ô Loan có nhiều hải sản sinh sống như tôm, cá, ghẹ, cua huỳnh đế, điệp, cá mú… nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là con sò huyết Ô Loan cơm dày, thịt ngọt và rất thơm, thơm hơn sò huyết các nơi khác, được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Hiện nay, đầm Ô Loan được Bộ VHTT xếp vào di tích danh thắng cấp quốc gia. Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, nhân dân sống quanh đầm tổ chức lễ hội đua ghe truyền thống, thu hút nhiều đội ghe đua ở các địa phương khác đến tham gia.
Nhà thờ Mằng Lăng
Nhà thờ Mằng Lăng (Ảnh – ha.dung.88)
Nhà thờ Mằng Lăng đã có tuổi thọ trên 110 năm, theo kiến trúc Gothic cổ điển thuần túy, với hai tháp chuông cao vọi, giữa cảnh quê sông nước dân cư trù mật. Cạnh nhà thờ có phòng truyền thống mang tên Anre Phú Yên, lưu trữ và triển lãm trang trọng tất cả những tư liệu liên quan đến Chân Phước. Nhà thờ nhỏ nhưng có khuôn viên thoáng mát rợp cây xanh. Tước sân còn có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên.
Hiện nay, nơi này vẫn đang giữ cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt. Đây là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của Linh mục Alexandre de Rhodes (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) – người khai đã sinh ra chữ quốc ngữ ở Việt Nam.
Gành Đá Đĩa
Gành Đá Đĩa là một kiệt tác của tự nhiên mà không nhiều nơi trên thế giới có (Ảnh – bigcomle)
Gành Đá Đĩa là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam, thắng cảnh này nằm tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.
Đây là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát đĩa nên có tên gọi là Gành Đá Đĩa. Nhìn từ xa, Gành Đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ.
Hòn Yến
Hòn Yến (Ảnh – ptncafe)
Sở dĩ có tên Hòn Yến vì trước đây, nơi này từng là nơi lưu trú của rất nhiều chim Yến đến làm tổ, song, do con người không biết gìn giữ đúng cách nên chúng dần rời đi. Để gợi nhớ, người dân nơi đây đã đặt tên hòn đảo này là hòn Yến. Cách trung tâm thành phố Tuy Hòa chừng 20km về hướng Đông Bắc, qua các xã An Phú, An Chấn, An Mỹ sẽ gặp chợ Yến. Từ đây, các bạn có thể hỏi người dân xung quanh đường để rẽ ra Hòn Yến (thuộc thôn Hội Sơn) hoặc cũng có thể men theo quốc lộ 1A về hướng Bắc chừng 15km đến ngay ngã 3 Phú Điềm rẻ phải theo đường bê tông hỏi đường về thôn Nhơn Hội.
Bãi Xép
Bãi Xép nhìn từ Gành Ông (Ảnh – thu.148)
Từ trên gành Ông (nơi trở thành phân cảnh thả diều của những nhân vật nhí trong bộ phim nổi tiếng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ) nhìn xuống, bãi Xép (xã An Chấn, huyện Tuy An) hiện ra thật hiền hòa và quyến rũ. Nằm cách Tp Tuy Hòa hơn 10km về phía bắc, đường đi rất thuận lợi, dài khoảng 500m, bãi Xép trông hoang sơ với hai bãi đá đen bao bọc hai đầu bãi biển. Khách phương xa đến đây bị hấp dẫn bởi bãi đá đen rất lạ mắt này và thong thả cất bước trên dải cát vàng óng trải dài ra mép sóng với nước biển trong xanh mát mắt.
Địa đạo Gò Thì Thùng
Địa đạo Gò Thì Thùng (Ảnh – Nguyễn Hải Khánh)
Cách trung tâm thị trấn Chí Thạnh về hướng tây 15km, cao nguyên Gò Thì Thùng (xã An Xuân) có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, cây xanh trái ngọt hiền hòa. Trên đỉnh cao nguyên này, có một mặt bằng gò bãi rộng lớn và một hệ thống hầm địa đạo của quân và dân Phú Yên trong những năm chiến tranh.
Cầu Ông Cọp
Cầu gỗ Ông Cọp, cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam (Ảnh – nhatminhtboj)
Cầu gỗ Miễu Ông Cọp (hay còn có tên khác là cầu Bình Thạnh, cầu gỗ Tuy An) bắc qua cửa sông Bình Bá, nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với quốc lộ 1. Từ quốc lộ 1 nhìn xuống, cây cầu trông mỏng manh giữa một vùng mênh mông, bát ngát. Đây là một trong những cây cầu gỗ hiếm hoi còn lại ở Phú Yên thu hút nhiều khách du lịch đến khám phá.
Đập Tam Giang
Đập Tam Giang (Ảnh – yeminlv)
Đập Tam Giang không chỉ là một công trình thủy lợi quan trọng của huyện Tuy An mà nó còn là một điểm du lịch hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc… Đập Tam Giang chắn ngang qua sông Cái, phía hữu ngạn thuộc xã An Thạch, tả ngạn là thôn Bình Hòa, xã An Dân. Đập dài khoảng 800m bằng xi măng vững chãi với thiết kế tam bậc, có 3 bờ kè chắn nước. Đập đưa nước về tưới các cánh đồng ở các xã An Thạch, An Ninh và An Dân.
Sông Cầu
Đây là một đơn vị hành chính cấp thị xã của Phú Yên, nằm giáp ranh với Tp Quy Nhơn của Bình Định. Sông Cầu cách xa trung tâm Tp Tuy Hòa nhưng khá nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn.
Nhất Tự Sơn
Con đường ra đảo Nhất Tự Sơn chỉ hiện ra khi thủy triều xuống (Ảnh – langbatblog)
Thuộc phường Xuân Thành. Đảo có thế nằm giống như chữ “nhất” trong tiếng Hán nên gọi là Nhất Tự Sơn. Đảo có diện tích 6 ha, nằm cách bờ khoảng 300m, khi thủy triều xuống có thể lội ra đảo. Nhất Tự Sơn là hòn đảo đẹp nhất trong Vịnh Xuân Đài.
Bãi biển Vịnh Hòa
Bãi biển Vịnh Hòa còn khá hoang sơ (Ảnh – jonnyrouse7)
Vịnh Hòa nằm ở xã Xuân Thịnh, Thị xã Sông Cầu. Đây là một bãi biển với cát trắng nắng vàng, những đồi cát thơ mộng, bờ biển dài với hàng phi lao chạy tới tận chân trời.
Vũng Lắm
Hiện nay thuộc khu phố Tân Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Đây từng là thương cảng buôn bán tấp nập của tỉnh Phú Yên, nơi diễn ra hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Năm 1887, người Pháp đặt Tòa Công sứ tại đây, đồng thời đặt Sở Thương chánh để kiểm soát việc buôn bán. Năm 1888 tỉnh đường An Thổ từ thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An) dời ra Vũng Lắm.
Vịnh Xuân Đài
Vịnh Xuân Đài nhìn từ đảo Nhất Tự Sơn (Ảnh – alolove.sc102)
Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha, bờ Vịnh dài hơn 50 km, nằm dọc theo hướng Bắc – Nam, được bao bọc bởi những rừng dừa, rừng dương xanh ngát, tiếp cận với 05 xã, phường của thị xã Sông Cầu là: xã Xuân Phương, phường Xuân Yên, phường Xuân Phú, phường Xuân Thành, phường Xuân Đài và 02 xã của huyện Tuy An là An Ninh Tây, An Ninh Đông. Vịnh Xuân Đài được tạo thành nhờ dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển khoảng 15 km, trông giống đầu con kỳ lân. Cửa Vịnh rộng 4,4 km.
Xuân Đài với một vùng non nước thắm đượm màu xanh: mặt biển xanh, rừng dừa xanh, núi non xanh và bầu trời xanh thẳm. Xung quanh vịnh là xóm làng bình yên nấp bóng dưới rừng dừa, những bãi cát trắng xen lẫn những bãi đá có hình thù khác lạ. Đi thuyền trên vịnh Xuân Đài phóng tầm mắt về phía tây là những dãy núi cao trùng điệp, nhìn về hướng đông trên bán đảo Xuân Thịnh bên cạnh những ngọn đồi xanh là cồn cát Từ Nham như một đám mây trắng sà xuống đỉnh núi. Phong cảnh trời mây, non nước Xuân Đài cùng với những đặc sản nổi tiếng ở đây đã làm say lòng biết bao thi nhân lữ khách. Ngoài những món đặc sản biển như ốc nhảy, cà khía, cua, tôm, ghẹ, cá mú… Xuân Đài còn nổi tiếng với ốc vú nàng, ai từng một lần thưởng thức sẽ rất khó quên.
Thác Cây Đu
Thác Cây Đu là địa điểm dã ngoại được ưa thích ở Sông Cầu (Ảnh – lam.0607)
Thác Cây Đu ở thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, Thị xã Sông Cầu có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ với những dòng nước trắng xóa chảy từ trên những tảng đá xù xì, nhấp nhô.
Bãi biển Từ Nham
Từ Nham có một con đường nhựa tuyệt đẹp chạy xe giữa biển và những hàng cây (Ảnh – sưu tầm)
Từ Nham là một bãi biển nhỏ của Sông Cầu, bãi biển với bờ cát dài và nước biển xanh một cách ngỡ ngàng. Nơi đây hoàn toàn không có bóng dáng của các dịch vụ du lịch, chỉ có một làng chài nhỏ của người dân.
Khu du lịch Bãi Bàu
Bãi Bàu (Ảnh – Xuân Nam Nguyễn Trương)
Bãi Bàu thuộc Phú Yên nhưng lại nằm gần Quy Nhơn hơn (chỉ cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 15km về phía Bắc). Đây là một bãi biển còn khá hoang sơ của thị xã Sông Cầu với biển xanh, cát trắng cùng cảnh quan tuyệt đẹp của những gành đá. Ở đây cũng có một khu du lịch sinh thái với đầy đủ các dịch vụ lưu trú, ăn uống để phục vụ du khách tới đây.
Khu du lịch Bãi Tràm
Bãi Tràm (Ảnh – archetype_group)
Nằm cách trung tâm Thị xã Sông Cầu khoảng 20km về phía bắc có một thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ mà độc đáo. Đó là Bãi Tràm ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh. Đây là một thung lũng được dãy núi Hòa An bao bọc ba mặt bắc, tây, nam. Phía đông là bờ biển dài khoảng 1km trông tựa như một lưỡi liềm bạc với bờ cát phẳng mịn; nước biển luôn trong xanh, lặng sóng; 2 phía đầu bờ cát có những ghềnh đá như có bàn tay con người sắp đặt nên. Ở đây vẫn còn một ngôi nhà được xây bằng đá từ những năm 20 của thế kỷ trước, người dân địa phương vẫn thường gọi là nhà ông Mô-Rô.
Đèo Cù Mông
Đèo Cù Mông nối 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định (Ảnh – thanhhoan77)
Trên những con đường xuyên Việt, với địa hình nhiều đồi núi, đất nước hình chữ S xinh đẹp tạo ra những con đèo, mà du khách mỗi lần đi qua không thể nào quên được. Đèo Cù Mông là một trong 5 con đèo được bình chọn là ngoạn mục nhất và cảnh quan đẹp, thu hút sự quan tâm, thích thú của du khách.
Đèo Cù Mông là một đèo ngắn nhưng hiểm trở nhất nhì Việt Nam. Đèo nằm trên quốc lộ 1, là ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên – Bình Định, dài 7km, đỉnh cao 245m, đường nhiều dốc, có nhiều khúc cua gấp, hai bên là núi cao. Huyền thoại về tên đèo Cù Mông còn được lưu giữ tới ngày nay là do thế núi nằm trải dài từ cao nguyên An Khê (Gia Lai) đổ ra biển, giống như con rồng nằm phủ phục mà đầu là xã Xuân Lộc (Thị xã Sông Cầu, Phú Yên) ra tới Gành Ráng (Tp Quy Nhơn, Bình Định), đuôi níu giữ dãy Ngọc Linh.
Đông Hòa
Đập Hàn
Đập Hàn (Ảnh – pie_1997)
Đập Hàn là hợp lưu của nhiều con suối nhỏ chảy ra từ dãy Đại Lãnh, quanh co uốn khúc đến phía Tây – Nam thôn Hảo Sơn. Các dòng suối tụ lại thành một cái đập nhỏ, độ dốc không cao, nhưng bên trên và dưới đập nhô lên nhiều mô đá khắp bề mặt của suối như thể có một bàn tay vô hình khuân từng tảng đá lớn sắp xếp theo cách bài trí các vườn đá của Nhật.
Dưới lòng suối, nước trong vắt vào mùa nắng, có thể nhìn những đàn cá mương, cá trắng núi, những con cua đá, con ốc bò dưới lòng cạn. Trên bờ, những tẳng đá to như mái nhà, rừng cây, tiếng chim hót vang vang đập vào vách núi dội lại cộng với tiếng nước suối đổ xuống từ đập cao, rì rầm tạo thành âm thanh dìu dặt, dễ khơi động tâm hồn con người hướng về cái đẹp, cái thiện của nhân thế, trời đất.
Chính bởi cảnh trí thiên nhiên đẹp như vậy, nên Phú Yên đã khai thác Đập Hàn thành điểm du lịch, dã ngoại cho du khách từ nhiều năm nay.
Núi Đá Bia
Tảng đá bia khổng lồ có thể nhìn thấy rõ từ xa (Ảnh – linhlan158)
Núi Đá Bia còn gọi là Thạch Bi Sơn, dân gian tương truyền là Núi Ông, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy
Từ đây có thể nhìn bao quát vùng biển xung quanh, phóng tầm mắt nhìn về bốn hướng bạn thấy Vũng Rô của Phú Yên ở ngay chân núi phía Nam hay vịnh Vân Phong của Khánh Hòa. Vào những ngày trời nắng đẹp thậm chí bạn còn có thể thấy thành phố Nha Trang. Nhìn về phía bắc, sẽ có được tầm nhìn bao quát đồng bằng Tuy Hòa, núi Chóp Chài nằm giữa thành phố Tuy Hòa và sông Ba.
Vịnh Vũng Rô
Di tích bến tàu không số ở Vũng Rô (Ảnh – key.thanhhh)
Trên con đường thiên lý Bắc – Nam, khi đến đỉnh đèo Cả nhìn về phía đông, du khách mê mẩn khi thấy một vùng non xanh nước biếc hòa quyện vào nhau nên thơ và hùng vĩ. Đó là vịnh Vũng Rô.
Vũng Rô rộng 1.640ha mặt nước, độ sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 5.000 tấn, được các dãy núi cao Đèo Cả, Đá Bia, Hòn Bà che chắn cả 3 hướng: bắc, đông, tây. Trong vịnh, có nhiều bãi nhỏ như: Bãi Lách, Bãi Mù U, Bãi Ngà, Bãi Chùa, Bãi Chân Trâu, Bãi Hồ, Bãi Chính, Bãi Bàng, Bãi Lau… Đá Bia – Vũng Rô – Đèo Cả là một trong những địa danh lịch sử, văn hóa và du lịch tiêu biểu ở tỉnh Phú Yên.
Hòn Nưa
Đảo Hòn Nưa nhìn từ đèo Cả (Ảnh – jonnyrouse7)
Hòn Nưa nằm phía nam vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, là một thắng cảnh đẹp của Phú Yên. Hòn đảo này hiện nay còn hoang sơ, tĩnh lặng và đang là điểm tham quan nghỉ mát lý tưởng của nhiều du khách gần xa…
Để đến hòn Nưa, du khách có thể xuất phát từ cảng biển Vũng Rô hoặc từ làng chài Đại Lãnh dưới chân đèo Cả. Trong hai tuyến nói trên thì đường từ Vũng Rô vào xa khoảng 60 phút ngồi tàu nhưng được nhiều người chọn hơn. Bởi đi từ Vũng Rô, khách sẽ ngao du trên vịnh biển, được ngắm cảnh trời nước bao la, được tận mắt trông thấy những ngư dân cần mẫn lao động trên những lồng bè nuôi tôm hùm, được ngắm bao quát vẻ đẹp hòn Nưa từ xa đến gần.
Mũi Điện
Mũi Điện và ngọn hải đăng Đại Lãnh (Ảnh – vidongan)
Là cảnh quan kỳ thú phía nam tỉnh Phú Yên, nơi có doi đất liền của Tổ quốc vươn xa nhất ra biển Đông. Mũi Điện nằm trên triền núi Bà thuộc dãy Đại Lãnh (nhánh Trường Sơn đâm ngang ra biển tạo thành dãy núi bao quanh Vũng Rô).
Tháp hải đăng mũi Đại Lãnh là một khối hình trụ thon đều nhỏ dần phía ngọn, màu xám, cao 26,5m đứng trên nền toà nhà cao 110m (so mặt nước biển). Bên trong hải đăng là cầu thang gỗ 110 bậc bóng loáng. Ngọn đèn biển hoạt động được 55 năm thì ngừng (năm 1945), đến năm 1961 mới hoạt động trở lại và năm 1997 được khôi phục hoàn toàn theo kiến trúc cũ.
Điểm đặc biệt và cũng mang giá trị du lịch lớn nhất của ngọn hải đăng Đại Lãnh đó là 1 trong 8 ngọn hải đăng có trên 100 năm tuổi trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là ngọn hải đăng nằm gần hải phận quốc tế nhất, nơi đón ánh bình minh trên đất liền đầu tiên ở Việt Nam.
Đồng Xuân
Suối nước nóng Triêm Đức
Từ thị trấn La Hai ngược lên phía tây, trên đoạn đường đã được bê tông khoảng 6 cây số, từ đường lớn rẽ trái qua cánh đồng hẹp hơn 500m là đến suối nước nóng Triêm Đức nằm phía bờ bắc sông Kỳ Lộ, thuộc xã Xuân Quang 2.
Gọi là suối, nhưng trước mặt là con sông Kỳ Lộ, đoạn mở rộng về hạ lưu. Nước nóng phun trào, chảy thành dòng róc rách từ một triền đá granit màu xám, phớt hồng, tràn xuống mặt sông. Điểm mỏ này được người Pháp nghiên cứu từ những năm 1926-1931, nguồn nước lộ ra sát bờ sông, cao hơn mực nước sông khoảng 4m. Nhiệt độ của suối khoáng nóng này khoảng 75-78 độ C, độ pH khoảng 8, độ khoáng hóa là 0,5g/l.
Suối nước nóng Trà Ô
Từ Tp Tuy Hòa đến thị trấn La Hai (Đồng Xuân) chừng 45km, tiếp tục rẽ phải đi 15km là đến suối nước nóng Trà Ô, thuộc xã Xuân Long. Nằm cách đường đi khoảng 200m, băng qua con sông Hà Nhao thơ mộng với dòng nước trong xanh uốn lượn, du khách sẽ nhận ra suối nước nóng Trà Ô nằm dưới chân một ngọn đồi hoang vắng.
Không giống một dòng suối thiên nhiên, nước khoáng nóng Trà Ô có nhiệt độ khoảng 70ºC, chảy ra từ hai đầu rồng được xây dựng trên diện tích khoảng 3m2. Hệ thống này được thiết kế như một miếu thờ thần núi. Trên mái và hồ nhỏ phía dưới đều có kiến trúc của hai con rồng trông linh thiêng và bí ẩn, phía sau có khoảng trống vừa một người chui vào được bên trong để xông hơi, theo cách của cư dân ở đây thường làm để giúp sức khỏe được tốt hơn, hoặc có thể chữa được một số bệnh về thấp khớp, bệnh ngoài da… Theo nhiều người dân địa phương, các vòi rồng ở suối nước nóng Trà Ô đã được xây dựng từ thời Pháp, dấu tích văn hóa chưa được khám phá hết nhưng đang bỏ hoang trông thật lãng phí.
Phú Hòa
Thành Hồ
Di tích khảo cổ Thành Hồ (Ảnh – Tung Ba)
Thành Hồ nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng, thuộc thôn Định Thọ, xã Hoà Định Đông, huyện Phú Hoà. Di tích này cách thành phố Tuy Hoà khoảng 12km và cách cửa sông Đà Rằng khoảng 15km. Đây là vùng tiếp giáp giữa đồng bằng Tuy Hoà và vùng núi phía tây Phú Yên. Nếu xem đồng bằng Tuy Hoà như một tam giác thì Thành Hồ nằm ngay trên đỉnh của tam giác mà cạnh đáy là đường bờ biển.
Thành Hồ, cùng với các di tích Chăm khác ở Phú Yên nằm trong tổng thể chung của các di tích Chăm ở miền Trung không những có giá trị về mặt khoa học mà đang trở thành những địa điểm hấp dẫn để khai thác kinh tế du lịch.
Đền thờ Lương Văn Chánh
Đền thờ Lương Văn Chánh, người khai phá mảnh đất Phú Yên (Ảnh – Thành Danh Đặng)
Lương Văn Chánh là một võ quan của chúa Nguyễn thời Lê trung hưng và là người có công với sự nghiệp chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên. Sau khi Lương Văn Chánh qua đời, các Chúa Nguyễn đã nhiều lần phong thần và gia phong tướng vị cho ông. Năm 1689, đời Chúa Nghĩa – Nguyễn Phước Thái, Lương Văn Chánh được phong tặng là “Tiền Trấn Biên quan Tham tướng Phò quận công Lương quí phủ Bảo quốc chi thần”.
Mộ Lương Văn Chánh nằm ở phía bắc thôn Long Tường, trên một gò cao quay mặt ra sông Bến Lội, hướng thẳng về núi Chóp Chài. Đền thờ Lương Văn Chánh nằm ở làng Phụng Nguyên, cách mộ chừng 500 mét. Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh đã được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 5 tháng 10 năm 1996.
Đập Đồng Cam
Đập Đồng Cam (Ảnh – Tri Dung)
Năm 1923 đập Đồng Cam được người Pháp cho khởi công xây dựng sau nhiều năm ròng khảo sát và mãi đến năm 1931 đập mới hoàn thành cùng hệ thống kênh mương dẫn nước về khắp các nơi trên đồng Tuy Hoà. Tháng 1-1933 vua Bảo Đại về tại đập Đồng Cam để khánh thành, chứng tỏ đây là công trình cực kỳ quan trọng không chỉ của riêng tỉnh Phú Yên mà cho cả đất nước. Đây là một trong số rất ít công trình có quy mô lớn và nổi tiếng thời bấy giờ do người Pháp thiết kế và đưa dân công từ khắp các nơi về để xây dựng.
Đồng Cam hiện đang là điểm du lịch khá lý tưởng. Ở phía bờ Bắc, ngay trên đập đầu mối, kênh chính Bắc chạy song song với dòng nước của sông Đà Rằng bên dưới mặt đập, phía giữa là bãi cát trắng mịn và những hàng cây rừng rợp bóng tạo thành bãi để cắm trại, sinh hoạt ca hát và chơi những trò chơi dân gian. Đứng ở nơi này, có thể nhìn thấy thác nước trắng trườn qua thân đập rồi lượn qua những dãy đá nhấp nhô bên dưới.
Gành đá Hòa Thắng
Gành đá Hòa Thắng (Ảnh – loi phong hinh)
Nằm trên vùng châu thổ Sông Ba và có cảnh quan thiên nhiên đẹp, Gành Đá còn được gọi là Ngũ Thạch Sơn gồm có năm dãy đá lớn tạo thành như: Gành Miễu, Gành Quan, Gành Dung, Gành Quýt và Gành Bồ; gắn liền với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và đã đi vào thơ ca.
Nằm cách trung tâm Tp Tuy Hòa khoảng 7 km về phía tây, cạnh quốc lộ 25, giao thông rất thuận lợi, Gành Đá còn nằm trong tổng thể các di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ trên địa bàn huyện như: Thành Hồ, đập Đồng Cam, Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh; các điểm du lịch sinh thái Lỗ Chài, Hòn Sặc, Núi Hương, suối nước nóng Phú Sen và các làng nghề truyền thống như: bánh tráng Đông Bình, bún Định Thành, nên Gành Đ